Kinh nghiệm thi IELTS 8.0 trong 3 tuần được chia sẻ bởi chị Nguyễn Thị Nhung vào năm 2019. Chị Nhung hiện làm việc tại IFC (một tổ chức thuộc World Bank Group). Được sự đồng ý của tác giả, OSLA IVY xin được phép trích lại nguyên văn. Hi vọng với kinh nghiệm của chị Nhung, các bạn sẽ có thêm nhiều kỹ năng thực chiến trước khi thi IELTS.
———Trích nguyên văn chia sẻ của chị Nhung ———-
Vì nhiều người hỏi kinh nghiệm (và cũng vì đã tự hứa với bản thân nếu đạt điểm IELTS như ý ngay lần thi đầu tiên thì sẽ tổng hợp lại kinh nghiệm cho cộng đồng) nên mình vượt lười tổng hợp những gì mình đã làm vào đây, hy vọng có thể giúp ích được mọi người. Bài dài, không dành cho người ngại đọc nhé.
Lưu ý: Mình không đi học thêm ai cả, nên những trung tâm/website được nhắc tới dưới đây không nhằm mục đích quảng cáo cho một đơn vị nào cả và vì không có nhiều thời gian học nhiều, nên mình học rất lựa chọn thôi, mình sẽ giới thiệu thêm một số tài liệu nếu mọi người có thời gian thì có thể mở rộng các nguồn học. Ngoài ra cũng cần nói thêm là mình thi IELTS cách đây 10 năm, khi đó được 7.0 (L 7.5, R 7, W 7, S 6), sau đó có 2.5 năm học ở nước ngoài và môi trường làm việc cũng hay phải đọc tài liệu tiếng Anh. Tuy nhiên mình thấy không phải vì thế mà thi lại IELTS dễ hơn nhé, đều phải học lại hết và phải chăm chỉ, nên mọi người đừng nghĩ “à vì đã có background như thế nên điểm cao là phải rồi” – Không gì dễ dàng trên đời này hết nhớ ????. Nói thật, ôn thi IELTS rất chán, nhiều khi cảm giác mình cố mãi điểm vẫn thế, nhưng biết làm sao được, ai cũng thế, vẫn phải cố gắng ép mình học thôi. Nếu chưa đạt được điều mình mong muốn nghĩa là chưa cố gắng đủ nhiều. Trong gần 3 tuần ôn, nếu các bạn đọc hết phần dưới thì sẽ thấy thực ra khối lượng mình nạp vào đầu rất nhiều, có thể bằng vài tháng học của người khác. Thường mình dậy từ 4h sáng, tập thể dục để đầu óc minh mẫn, sau đó bắt đầu học phần mình lo nhất. Đều đặn ngày nào cũng thế, cho đến trước khi thi 2 ngày thì mình nghỉ để đầu óc thư giãn. Thôi dông dài quá, tóm lại là nếu target được điểm cao , các bạn phải rất tập trung và chịu khó nhé. Bây giờ vào phần chính nhé, mình sẽ viết một số lưu ý chung và lưu ý cho từng kĩ năng – à quên điểm mình thi hôm vừa rồi là L 8.0, R 9.0, W 7.0, S 8.5.
1. Một số lưu ý chung với kì thi IELTS

Phải nói là ôn thi IELTS bây giờ dễ hơn mình thi cách đây 10 năm rất nhiều, vì tài liệu ôn ngập trên mạng luôn, nên thấy mình yếu chỗ nào, cứ gõ google “tips for IELTS ….”, “how to do IELTS… questions”,… chắc chắn có người hướng dẫn bạn chi tiết, không cần phải tốn tiền đi học luôn.
Tuy nhiên học cũng phải chọn nguồn chọn lọc nhé. Dưới đây là những tài liệu mình đã sử dụng:
· Đọc kĩ tiêu chí cho điểm từng module của kì thi IELTS, download tại ielts.org. Các bạn in ra để nắm rõ IELTS tìm kiếm điều gì trong từng kỹ năng của các bạn và cung cấp đúng cái đó thì mới được điểm như mong đợi. Tùy bạn kì vọng đạt được band mấy mà xem kĩ band điểm đó yêu cầu gì nhé. Lưu ý cần đọc kĩ và phân tích kĩ yêu cầu chứ không được xem nhẹ việc này nhé – mình sẽ nói kĩ hơn ở từng skill cụ thể phía dưới.
· Bộ tài liệu đầu tiên mà bất cứ ai thi ielts cũng cần phải làm là bộ IELTS Cambridge 7-13 (mới ra 14 rồi nhé). Các cuốn từ 1-6 thì hợp để học từ mới hơn, có thể làm nếu có thời gian. Theo kinh nghiệm của mình, để làm kĩ từng đề trong bộ này cần ít nhất 1 ngày/1 đề trọn vẹn nên các bạn cần dành ra 1 tháng trước khi thi để làm hết đề trong đây nhé. Làm kĩ nghĩa là PHẢI bao gồm các bước: làm liên tục 3 tiếng cho 3 kĩ năng L R W, căn thời gian giống y như khi thi thật, sau đó làm phần S. Làm xong hết thì kiểm tra đáp án, xem mình sai ở đâu, nghe lại hoặc viết lại/làm lại đến khi hiểu rõ ràng thì thôi. Format thi thật rất giống với các đề trong bộ này nên sẽ không bị bỡ ngỡ khi đi thi, làm trọn bộ đề hoàn chỉnh trong này bạn yên tâm có thể nâng từ 0.5-1 band điểm khi thi thật.
· Ngoài ra, cần tạo thói quen đọc, nghe tiếng anh như một hoạt động hàng ngày của bạn, bao gồm việc bỏ đọc tin tức tiếng Việt, tải các news tiếng Anh chuẩn (BBC, CNN, TED talk,…) và tranh thủ nghe đọc mọi lúc mọi nơi nhé. Chú ý nữa là càng lĩnh vực bạn không thích/không có nhiều hiểu biết, càng cần phải vượt lười đọc nhiều về nó để nâng cao từ vựng và hiểu biết về lĩnh vực đó nhé – bạn không biết sẽ bị hỏi về lĩnh vực gì trong kì thi đâu.
· Computer based or paper-based? Hiện nay có thể thi IELTS trên máy tính hoặc thi giấy, ưu nhược điểm của mỗi loại các bạn tham khảo trên mạng nói rất nhiều các bạn có thể tự google. Về cơ bản thì thi trên máy tính phần writing lợi hơn (cho người gõ nhanh) vì có đếm số chữ và không sợ chữ xấu. Phần reading cũng lợi hơn ở chỗ không phải dở qua dở lại các trang. Tuy nhiên listening trên máy tính thiệt hơn vì không có thời gian transfer 10ph cuối, bạn phải vừa nghe vừa gõ luôn đáp án và gần như không có thời gian check lại. Vậy tùy các bạn cân nhắc dựa theo khả năng của mình nhé. Mình chọn thi trên máy vì muốn nhận kết quả nhanh và vì tin là nếu chuẩn bị đúng cách thì không lo thi máy bị thiệt. Đúng cách nghĩa là trước khi đi thi làm hết các câu hỏi mẫu để biết format và cách trả lời trên máy tính như thế nào (có phần thì gõ đáp án, có chỗ thì phải kéo thả đáp án,…nên nếu không nắm trước đến lúc thi có thể bị rối và mất thời gian). Làm thực hành thi thử đúng chuẩn ở đây, không cần đến trung tâm IDP/BC nhé, có vài dạng thôi nên rất nhanh.
Ngoài ra nhớ xem hết các video trong link này để biết chi tiết mỗi phần thi khi thi trên máy, các tổ hợp phím tắt để di chuyển nhanh giữa các câu hỏi, cách đánh dấu những câu cần review kĩ…
2. Listening

Lúc làm bộ đề Cambridge, đa số mình đúng khoảng 32-34 câu (band 7-7.5 trong khi mình cần tối thiểu 8). Kinh nghiệm ôn listening của mình là:
– Nghe tiếng Anh mọi lúc mọi nơi khi có thể: TED talk, CNN, BBC English…
– Làm hết các đề listening trong bộ Cambridge, nếu thi máy tính thì cần tạo môi trường đúng như thi thật, nghĩa là nghe đến đâu, gõ câu trả lời luôn đến đấy vào 1 file word. Làm xong, những câu nào sai cần nghe đi nghe lại và xem transcript đến khi hiểu nghĩa và biết câu trả lời đúng thì thôi.
– Nghe đề thi thử listening bằng loa ngoài, không chọn môi trường nghe “trong lành, yên tĩnh” quá để luyện khả năng tập trung. Bạn không quản lý được chuyện gì có thể xảy ra trong phòng thi (vd. Người khác gõ máy tính rất to, hoặc như hôm mình thi tầng trên họ xây dựng phá dỡ gì đó còn phòng ban gì bên cạnh nói chuyện như chợ vỡ, VÂNG, bạn không nghe nhầm đâu, ồn ào cực kì luôn nhé) nên nếu không biết cách tập trung 100% vào bài thi và bỏ qua những tạp âm có thể xuất hiện, bạn không thể được điểm cao đâu
– Nghe toàn bộ nội dung trước khi quyết định chọn đáp án: Đặc điểm phần thi listening là mình sẽ bị “lừa” rất nhiều, theo kiểu sẽ có nhiều đáp án được nhắc đến trong phần hội thoại, nhưng chỉ có 1 đáp án thực sự đúng (vd. Tôi chọn cái này, nó tốt lắm thế này thế kia, xong nghe một lúc lại: ah nhưng tôi thay đổi ý định rồi, tôi chọn cái kia…). Nên bắt buộc phải nghe trọn nhé, đừng điền đáp án ngay khi nghe thấy người ta nhắc đến một đáp án có sẵn trong phần trả lời, rất dễ rơi vào bẫy.
– Tranh thủ mọi thời gian có thể để đọc trước nội dung của các câu hỏi phía sau: Điều này cực kì quan trọng trong phần MCQs vì các đáp án đều rất dài và có đến tối thiểu 4 đáp án, nếu không đọc kĩ để hiểu từng câu trả lời, khi nghe đến phần này sẽ rất rối và khó trả lời đúng. Kinh nghiệm của mình là thường bài nghe số 1 đọc trước mất rất ít thời gian, nên khi người ta đang đọc instructions mình sẽ move sang phần tiếp theo luôn để đọc dần dần, tranh thủ thời gian cứ khi nào làm xong một câu và có một chút thời gian trống thì sẽ đọc ngay câu tiếp và các phần tiếp luôn. Lưu ý nếu thi trên máy tính trước khi vào section 1 sẽ không có câu mẫu nhé nên không có nhiều thời gian đọc trước bằng thi giấy đâu. Ngoài ra mặc dù trên máy có tính năng highlight/take note nhưng mình tin là không đủ thời gian cho việc này đâu (kể cả trong khi thi reading) nên các bạn làm đề giấy cố gắng không note/highlight vào đề giấy, tập cho mình thói quen nghĩ trong đầu hết để tiết kiệm thời gian và quen với môi trường thi thật nhé.
– Không để mất điểm vì những lỗi ngớ ngẩn: có rất nhiều lỗi ngớ ngẩn có thể xảy ra như thiếu số nhiều, điền đáp án nhầm câu, viết sai chính tả, chia sai thì, không viết hoa… Khi làm đề thử mình cũng rất hay bị các lỗi này, với mỗi lỗi sai, cố gắng phân tích lỗi sai và sửa ngay (vd. Sai chính tả thì viết lại từ đó 20 lần, thỉnh thoảng xem đi xem lại, sai số ít/số nhiều thì viết xong câu trả lời phải tự hỏi ngay có cần số ít/số nhiều/chia thì gì trong đáp án này không…
– Viết chữ in hoa hoặc bật Capslock khi trả lời toàn bộ các câu hỏi listening nhé: vì sao thì mình lười gõ quá, các bạn tự google, nhưng tin mình đi bước này không thừa đâu. Chú ý không được lúc viết hoa lúc viết thường.
3. Reading

Thực sự mình không có nhiều kinh nghiệm cho phần Reading vì đặc thù công việc phải đọc tài liệu nước ngoài rất nhiều nên gần như không phải ôn Reading. Cho nên mình nghĩ kĩ năng Reading là phần dễ lên điểm nhất, bạn càng đọc nhiều về nhiều chủ đề thì càng tăng khả năng đọc hiểu và dễ làm được điểm cao. Lúc làm thử 1-2 đề reading mình luôn đúng được khoảng 35 câu nhưng chưa bao giờ đúng cả 40 câu. Mình nhận ra mình hay sai ở dạng câu hỏi T/F/NG. Xem hướng dẫn phân biệt câu T/F/NG ở đây. Ngoài ra đừng nghĩ/phân tích sâu xa quá nhiều, IELTS không phải là đề thi tư duy logic, chỉ dựa chính xác vào nội dung bài đọc, đừng đi ra ngoài nội dung bài đọc.
Nếu thi IELTS trên máy tính, phần reading có thể copy paste nhé, nên tận dụng tính năng này để tránh viết sai chính tả.
Làm đề reading mình nghĩ quan trọng nhất là phân bổ thời gian hợp lý. Thường thì 2 bài đầu dễ, bài cuối khó nhất, nên dành nhiều thời gian cho phần cuối và chừa lại khoảng 5ph để soát đáp án của toàn bộ bài làm. Khi đi thi mình cố gắng không sa đà mất thời gian quá lâu vào câu nào, câu nào chưa chắc chắn đánh dấu lại, cuối giờ rà soát lại câu hỏi, câu trả lời của toàn bộ bài 1 lần – mình nghĩ đây là lý do mình đúng cả 40/40 câu.
4. Writing

Writing theo mình là kĩ năng khó lên điểm nhất. Mình không có thời gian ôn writing nhiều nên chỉ được 7, bằng đúng điểm thi cách đây 10 năm. Không ôn nhiều nhưng điểm không thấp, chìa khóa là đọc kĩ tiêu chí chấm điểm phần writing và cung cấp đúng cái người ta cần để không thể chấm điểm thấp cho mình. Nếu đọc kĩ Writing Band descriptors cho từng task, các bạn sẽ thấy chấm điểm writing cho từng task đều dựa trên 4 yếu tố: (1) Task achievement; (2) Coherence and Cohesion; (3) Lexical resources; (4) Grammatical range and accuracy. Dưới đây là những tips ngắn gọn nhất cho từng yếu tố này:
– (1) Task achievements: Phần này hiểu nôm na là làm hết những yêu cầu của đề. Nghĩa là đề hỏi những câu hỏi nhỏ nào bạn đều trả lời hết. Do vậy đọc kĩ đề nha, nên chia tách thành các đoạn, mỗi đoạn tương ứng với một câu hỏi để bố cục bài viết cũng mạch lạc hơn.
– (2) Coherence and Cohesion: Cái này gồm 2 phần, coherence là kiểu diễn đạt mạch lạc, rõ nghĩa còn cohesion là kiểu các câu, các đoạn có sự gắn kết với nhau. Với phần coherence thì cần nhớ là mỗi đoạn văn nên tập trung diễn đạt xoay quanh một ý, thể hiện rõ quan điểm của mình, không được câu trước phản đối câu sau, hoặc quá nhiều ý trong 1 đoạn. Để có cohesion thì nên dùng nhiều từ nối để các câu có sự gắn kết, không rời rạc lẻ tẻ (vd. Therefore, hence, on the one hand, in contrast, …). Phần introduction để đạt điểm coherence, xem hướng dẫn tại đây và cứ thế áp dụng đúng một cấu trúc như thế này là đủ.
– (3) Lexical resources: là dùng từ vựng đa dạng, một số từ phức tạp, không quá quen thuộc. Một trong những lưu ý quan trọng của phần này là không dùng lại từ, dùng lại y chang câu dẫn và câu hỏi trong bài. Nghĩa là tìm cách dùng từ đồng nghĩa hoặc diễn đạt khác đi. Xem thêm phân tích của Jay ở đây
– (4) Gramma range and accuracy: dùng ngữ pháp chuẩn, đa dạng thì, đa dạng cấu trúc câu. Xem video phân tích phần ngữ pháp ở đây
Ngoài ra để luyện writing cần tập viết như khi thi thật trong khoảng thời gian 50-55ph cho mỗi đề (15ph cho task 1, 35ph cho task 2), để lại 5ph để kiểm tra chính tả, đọc lại toàn bộ bài viết nhé. Đọc thêm bài đọc mẫu được điểm cao của từng đề để lấy ý và xem cách viết. Mình hay đọc bài mẫu của Simon tại đây
5. Speaking

Có lẽ đây là phần mình chia sẻ được nhiều nhất vì là phần mình sợ nhất nên ôn cẩn thận nhất ????. Ngày trước thi được có 6.0 (suýt nữa thì không đủ điểm xin học master) nên lần này target cần 7 làm mình rất sợ. Sau quá trình ôn thì mình thấy các bạn nên làm theo các bước sau:
Bước 1: Hiểu phần speaking cần gì và vì sao mình thường không được điểm cao:
Cái này được tổng hợp rất kĩ trong quyển IELTS speaking của Mac Carter. Download tại đây. Đọc thật kĩ phần đầu bao gồm phân tích vì sao học sinh Trung Quốc không được điểm cao, và chiến lược trả lời với từng dạng câu hỏi. Lưu ý là THUỘC LÒNG và phải vận dụng luôn tất cả các dạng câu hỏi và chiến lược trả lời này nhá. Nếu có thời gian thì học thêm list từ vựng theo chủ đề (mình không đủ thời gian). Quyển sách này rất hay và nếu áp dụng đúng cách thì 7 speaking không có gì khó khăn cả. Ví dụ tác giả chỉ ra học sinh TQ (hay VN cũng thế) thường hỏi gì thì sẽ trả lời thẳng vào câu hỏi và trả lời rất ngắn kiểu yes/no – như thế sẽ không bao giờ được điểm cao. Người Anh thường sẽ không đi thẳng vào câu trả lời ngay mà sẽ nói vài câu background (nghe rõ vòng vo nhưng đấy là language của người ta biết làm sao, mình phải bắt chước thôi) rồi mới trả lời. Đấy là 1 ví dụ thôi, còn nhiều lỗi khác nữa,… nhớ đọc kĩ và tự nghiệm nhé.
Bước 2: Chuẩn bị, nghĩ ý trả lời cho các chủ đề hay gặp phải.
Ví dụ phần 1 của speaking bao giờ cũng theo hai nhánh work hoặc home/hometown, tập nói về những chủ đề này, chuẩn bị bài nói sao cho hấp dẫn, đừng nhai đi nhai lại mấy kiểu nói cũ rích nhàm chán, xem video hướng dẫn của Dantio và Tùng the Ielts workshop nhé. Nhân tiện nói đến hai nguồn này, các bạn nên subcribe 2 kênh của 2 bạn này và cày nát các youtube về speaking của 2 đồng chí này nhé. Học vừa fun vừa hiệu quả – những lối diễn đạt nào hay mà không quá khó, có thể nhớ ngay thì nhớ luôn và vận dụng nhé. Lưu ý đừng học kiểu học vẹt, thuộc lòng, vào phòng thi không nhớ gì đâu, lúc đó lộ nguyên hình đúng những gì của mình thôi – mình thử học vẹt mấy thứ và vào đó không nhớ gì đâu ????.
Bước 3: viết ra giấy phần nói của phần 2
Phần topic section, đặc biệt với những topic mình không quen thuộc. Viết càng nhiều chủ đề càng tốt, viết xong thì tập nói. Viết ra giúp mình có thời gian suy nghĩ kĩ hơn nên diễn đạt cũng mạch lạc hơn, không bị ngắc ngứ. Ngoài ra lưu ý speaking không chấm ideas của các bạn nên đừng mất thời gian quá nhiều vào việc nghĩ xem nói gì, miễn là bạn nói lưu loát trôi chảy, không lạc đề, còn bạn nói linh tinh gì hoặc phản khoa học examiner cũng không care đâu. Vỡi mỗi chủ đề nên học thêm vài từ mới hay ho thuộc chủ đề đấy, cái này youtube nhiều lắm, cứ search “từ vựng chủ đề…” là ra cả đống luôn. Khi bị hỏi về chủ đề nào mà mình đá được vài từ “chuyên ngành” sẽ gây ấn tượng cực tốt với examiner
Bước 4: ghi âm giọng nói câu trả lời của mình và nghe lại, phân tích
– Nghe lại để biết speaking của mình tệ thế nào ????, yếu chỗ nào, cần sửa chỗ nào. Không ghi âm thì không thể ngờ mình nói kém thế đâu các bạn ạ he he. Khi phát hiện lỗi thì tập trung sửa chỗ đó và ghi âm lại, nói lại cùng chủ đề ấy, thấy suôn sẻ rồi thì thôi, chuyển sang thực hành chủ đề khác. Sau khi đã luyện kĩ kĩ phần này thì làm như thi thật. Mình thường mở youtube chọn các bài thi thật sau đó nghe examiner hỏi, pause lại, trả lời và ghi âm, rồi nghe xem ứng viên trả lời như thế nào. Cách này vừa giống thi thật vừa giúp học được luôn cách trả lời của những người được điểm cao. Một ví dụ về video như vậy ở đây. Key word: ielts speaking exam sample band 7 , 8 , 9…
Bước 5:
– khi đã làm xong hết các bước trên rồi, còn khoảng 1-2 tuần trước khi thi, các bạn vào ieltsliz để xem các topic được hỏi gần đây nhé, tìm loanh quanh theo 2 link này vì topic được update nên link cũng thay đổi liên tục.
Xem phần ielts speaking topics and questions, tìm đường dẫn cho tháng gần nhất tại đây) và phần comment của link này nơi các thí sinh thi xong về sẽ báo đề thi tại đây
Theo mình hiểu thì đề speaking xoay vòng trong một quý nên chắc phải 80% topic gặp phải sẽ rơi vào list này, chuẩn bị kĩ các chủ đề này (cũng tầm 40-50 đề chứ không ít đâu nhưng ít ra cũng đỡ mơ hồ hơn)
Rồi, cuối cùng là đến hôm thi. Nếu đã theo đủ 5 bước kể trên rồi thì cứ tự tin vào phòng thi nhé. Vài tips khi ở phòng thi mà mình tin là đã giúp mình được 8.5 dù không dùng từ vựng khủng gì nhiều và không thấy phải cố gắng vất vả quá nhiều:
– Coi examiner như bạn của mình. Coi như đây là một cuộc nói chuyện, giữ phong thái thoải mái, trả lời câu nào cũng cười rất tươi hộ mình nhé (tất nhiên trừ phi câu hỏi vào chủ đề buồn :D). Mặc dù ấn tượng với examiner (ăn mặc, phong thái…) không được tính điểm, nhưng các bạn nên nhớ, chúng ta đang giao tiếp với một con người, mà con người thì dễ bị cảm xúc điều khiển, nếu examiner có cảm tình với bạn, xác suất được chấm lỏng tay sẽ cao hơn. Tin mình đi – ăn mặc lịch sự, thái độ cởi mở, mặt mũi tươi tỉnh, nói câu nào cũng vui vẻ vào nhá.
– Tập trung vào fluency, grammar và pronunciation: Như các bạn xem ở band descriptor, có 4 tiêu chí để chấm điểm speaking là 3 cái kia và lexical resources (ngắn gọn là vocab). Mình biết rất nhiều người dạy nhấn mạnh vào việc dùng từ vựng “khủng” và idiom nhưng thực tế là mình chả dùng từ vựng đao to búa lớn nào vẫn được 8.5. Chiến lược mình sử dụng là ăn nói trôi chảy, hỏi gì trả lời nấy (fluency), nói không cần hay kiểu British/American accent nhưng rõ ràng, dễ hiểu (pronunciation). Về grammar thì cố gắng chèn cả câu phức, câu điều kiện, câu hỏi… trong bài nói chứ không chỉ dùng mỗi câu đơn. Với lexical resource, mình khuyên các bạn nên biết một số idiom ngắn gọn mà hay gặp phải, vì trên thực tế mình cũng hay cần dùng đến (vd. a breeze, pass with flying color, once in blue moon,…). Vào đây xem các idiom, cái gì thấy thích mà mình hay dùng đến lại dễ nhớ thì chép ra 1 quyển sổ, thỉnh thoảng nghía qua dùng, dần dần sẽ thành từ vựng của mình. Còn nữa, mình rất lười học từ mới, nhưng khi thi mình paraphase cực nhiều và dùng rất nhiều collocation. Giám khảo hỏi câu gì mình không bao giờ dùng lại từ vựng/lối diễn đạt trong câu hỏi mà luôn dùng từ đồng nghĩa/gần nghĩa….
-Cuối cùng, hãy là một người nói chuyện hấp dẫn. Mặc dù ideas không có trong tiêu chí chấm thi, nhưng nếu giám khảo thích thú với cách nói chuyện của mình thì xác suất bạn sẽ được điểm cao sẽ cao hơn. Hãy thể hiện điều này ở Part 3 của bài nói. Nếu ở part 1, 2, mình thường tập trung vào những nội dung mang tính personal, part 3 thường là những chủ đề mang tính “vĩ mô”, “xã hội” hơn. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về việc nói gì ở part 3 nhưng mình thiên về ủng hộ ý kiến của Jay ở đây, nói những gì thoughtful & interesting ideas.
Làm sao để có interesting ideas?
mình nghĩ là phải đọc nhiều về nhiều chủ đề và link nó với câu hỏi của examiner – trả lời theo một cách gì đó mà giám khảo không ngờ mình sẽ trả lời theo kiểu đấy :D, phần ví dụ của Jay ở cuối video kìa là một perfect example. Mình nhớ trong part 3 (part 2 là về sport) của mình examiner có hỏi là “Theo mày vận động ngoài trời có quan trọng bằng các môn học ở trường không?” Mình bảo là “Well, in my opinion, I strongly believe that outdoor activities should be equally valued as in-class study.” Nhưng không dừng lại ở duy nhất câu này, mình nói ngay: “However, let me tell you one fact here in Vietnam, that is a lot of Vietnamese parents tend to appreciate academic performance over physical activities”. Xong ông thầy có vẻ rất tâm đắc lại hỏi “Theo mày vì sao?”… mình lại chém linh tinh, thấy ông gật đầu lia lịa. Xong mình nhớ câu cuối cùng ông ấy hỏi là “Theo mày nam giới có lợi thế hơn nữ ở các môn thể thao không?”. Mình bảo: “That’s an interesting question. I would say in terms of the physical body, it appears that men do have some advantages over women such as… Having said that, I don’t think that gender difference is a reason to prevent any girl/woman from playing a sport of her interest.” (Để ý những chỗ bôi đậm nhé, đấy là những chỗ ăn điểm đấy các bạn). Nói chung là hãy nói chuyện một cách interesting nhé. Trong toàn bộ cuộc nói chuyện mình thấy examiner gật đầu cười lia lịa xong tắt ghi âm lại bảo “good job” là biết mình ổn rồi (chỉ không nghĩ nó lại cao ngoài sức tưởng tượng là 8.5 – bởi thế mới nói mình tin examiner có cảm tình với mình nên chấm lỏng tay ????).
Chắc là thế thôi nhỉ, bổ sung thêm một list các kênh youtube mà mình đã học theo mà mình thấy rất hiệu quả (có nhiều kênh lắm nhưng dưới đây là những kênh mình thấy ổn nhất:
- E2English, đặc biệt thích Jay
- Fast track education, rất nhiều tips hay và hiệu quả (Đúng chuẩn fast track)
- The IELTS workshop, mấy clip mẫu khá ổn, đặc biệt clip nào của ông Tùng nói thì hài không chịu được
- Ielts with datio, giọng trai sài gòn dễ thương mà nói tiếng anh cũng dễ thương (giọng giống hệt sếp người Hồng Kong của mình mà mình rất quý nên kiểu tự nhiên thấy thân thương dã man ????)
- Trang này có hầu hết các guide
Chúc các bạn thi tốt, nếu học theo kinh nghiệm của mình mà đạt điểm như mong đợi nhớ comment thông báo tin vui với mình nhé ????.
Gửi CV cho OSLA IVY để được review CV miễn phí cũng như những kinh nghiệm săn học bổng từ chuyên gia: info@myosla.com | oslaivy@myosla.com | Điện thoại trợ lý OSLA IVY: 090 300 6378 (Thùy)
PROFILE XỊN SÒ ĐỘI NGŨ MENTOR CỦA OSLA VÀ OSLA IVY xem tại đây
Tham khảo các review chân thực từ các Mentee về đội ngũ Mentor của OSLA và OSLA IVY tại đây